Monday, September 24, 2018

Cũng những thằng nịnh hót - Hữu Loan


(Sau khi đọc bài: “Những thằng nịnh hót” của Maiakovski)

Dưới thời kỳ Pháp thuộc
Những thằng nịnh hót nghênh ngang
Lưng rạp trước quan Tây
Bắc vợ như thang
Chân trèo lên danh vọng
Đuôi vợ chúng đi
Lọt theo đầu chúng
Bao nhiêu nhục nhằn;
Nhục mất nước muôn phần
Nhục cùng đất nước
với những thằng nịnh hót

Một điều đau xót
Trong chế độ chúng ta
Trong chế độ dân chủ cộng hoà
Những thằng nịnh còn
thênh thang
đất sống
Không quần chùng, áo thụng
Không thang đàn bà
Nhưng còn
thang lưng
thang lưỡi

Những mồm
không tanh tưởi
Ngậm vòi đu đủ
Trợn mắt
Phùng mang
Thổi vào rốn cấp trên
“Dạ, dạ, thưa anh…
Dạ, dạ, em, em…”
Gãi cổ
Gãi tai:
… anh quên ngủ
quên ăn
nhiều quá!

Anh vì nước
vì dân
hơn tất cả
từ trước đến nay

Chân xoa
và xoa tay,
Hít thượng cấp
vú thơm
như mùi mít

Gọi như thế là
phê bình cấp trên
kịch liệt
Gặp cấp trên chủ quan
Mũi như chim vỗ cánh
Bụng phềnh như trống làng:
Thấy mình
đạo đức
tài năng
hơn tất.

Như thế là chết rồi:
Quân nịnh
tha hồ lên cấp
Như con gì nhà gác lên thang
Còn muốn lên thủ trưởng cơ quan
Còn đi đây
đi đó
Lưỡi và lưng
Lắm chằng gian khổ
Chúng nó ở đâu:
Thối thóc thuế
Mục kho hàng
Phong trào suy sụp

Nhân dân mất cắp
đang giữa ban ngày
To cánh và to vây

Những ai
không
nịnh hót
Đi, mang cao
liêm sỉ con người
Chúng gieo hoạ gieo tai
Kiểm thảo
hạ tằng
Còn quy là phản động!
Có người
đã chết oan
vì chúng
Vẫn thiết tha yêu chế độ
đến hơi thở cuối cùng

Nguy hiểm thay,
Thật khó mà trông:
Chúng nó nguỵ trang
Bằng tổ chức
bằng quan điểm nhân dân
bằng lập trường
chính sách

Chúng nó
còn thằng nào
Là chế độ ta
chưa sạch
Phải làm tổng vệ sinh
cho kỳ hết
mọi thằng

Những người
đã đánh bại
xâm lăng

Đỏ bừng mặt
vì những tên
quốc xỉ
Ngay giữa những thời nô lệ
Là người chúng ta
không ai biết
cúi đầu.

(9-1956)

Nguồn: Giai phẩm mùa thu - tập II, NXB Minh Đức, 1956

Thursday, September 20, 2018

Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần



Theo nguồn tin từ TTXVN, đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, do mắc bệnh hiểm nghèo, mặc dù được các giáo sư, bác sỹ trong và ngoài nước hết lòng cứu chữa, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện, nhưng đã không qua khỏi.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần vào lúc 10h05 sáng nay, 21.9 tại Hà Nội.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang sinh năm 1956, quê huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Tiến sĩ Luật học, Đại học An ninh; Học hàm: Giáo sư; Lý luận chính trị: Cao cấp; Ngoại ngữ: Cao học tiếng Trung

Ngày vào Đảng: 26.07.1980; Ngày chính thức: 26.07.1981.

Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, XIV.

Tóm tắt quá trình công tác:

- Từ tháng 7.1972 – tháng 10.1975: Học viên Trường Cảnh sát nhân dân Trung ương và Trường Cao đẳng Ngoại ngữ, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).
- Từ tháng 10.1975 – tháng 6.1987: Cán bộ Cục Bảo vệ chính trị I, sau tách thành Cục Bảo vệ chính trị II, giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Trinh sát, Cục Bảo vệ chính trị II, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).
- Từ tháng 6.1987 – tháng 6.1990: Trưởng phòng Tham mưu và Trưởng phòng Trinh sát, Cục Bảo vệ chính trị II, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).
- Từ tháng 6.1990 – tháng 9.1996: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).
- Từ tháng 9.1996 – tháng 10.2000: Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh, Bộ Công an; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng cục An ninh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục An ninh, Bí thư Đảng ủy Cục Tham mưu An ninh, Bộ Công an.
- Từ tháng 10.2000 – tháng 4.2006: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an; được phong cấp bậc hàm Thiếu tướng (2003); được phong học hàm Phó giáo sư (2003).
- Từ tháng 4.2006 – tháng 1.2011: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; được phong cấp bậc hàm Trung tướng (2007); được phong học hàm Giáo sư (2009).
- Từ tháng 01.2011 – tháng 8.2011: Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an.
- Từ tháng 8.2011 đến nay: Ủy viên Bộ Chính trị (khóa XI, XII), Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; được phong cấp bậc hàm Thượng tướng (2011), Đại tướng (2012); đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV. Trưởng ban Chỉ đao Tây Nguyên từ 2011 -2016.
- Ngày 2.4.2016, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đến tháng 7.2016, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV ông được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Infographic Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ khi công tác đến tháng 4.2016:


chủ tịch nước trần đại quang qua đời, chủ tịch nước, đại tướng trần đại quang, bộ công an, nguyên thủ, bộ chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần   



Thursday, August 30, 2018

Hôm trước tụng lên mây xanh, hôm sau vùi dập tả tơi

Hôm trước tụng lên mây xanh, hôm sau vùi dập tả tơi

 - Những người cầm bút chân chính không bao giờ dễ dãi, tự do, tùy tiện trong nghề nghiệp, mà luôn có suy nghĩ đúng đắn, thái độ đúng mực, cái nhìn đúng tầm đối với từng con chữ, từng tác phẩm của mình.
Khi “quá hữu”, lúc lại “quá tả”
Chưa bao giờ hiệu ứng truyền thông lại có sự lan tỏa nhanh nhạy, mạnh mẽ như hiện nay. Sống trong “thế giới phẳng”, chỉ cần một chiếc lap top nhỏ gọn hay chiếc iphone, ipad trong tay, người sử dụng có thể biết “tất tần tật” mọi thứ, mọi việc xảy ra trên hành tinh này. Nhưng mặt trái của thời đại “internet hóa” cũng dễ làm cho ranh giới thật- giả, tốt- xấu, thiện- ác, đúng- sai, phải- trái, cao thượng- thấp hèn, văn minh- lạc hậu… trở nên mong manh hơn, bởi truyền thông có lúc đã đi quá chừng mực cho phép, nếu không muốn nói là làm lệch chuẩn, biến dạng, méo mó bản chất sự vật, hiện tượng. Điều đó dẫn tới hệ lụy là gây nhiễu loạn dư luận xã hội, làm gia tăng tâm lý bất an cho công chúng.
Sự thái quá của truyền thông thời gian qua nảy sinh ở hai cấp độ, khi thì “quá hữu”, lúc lại “quá tả”. “Quá hữu” biểu hiện ở chỗ khen ngợi ai đó thì “vống” hết lời, vuốt ve, tung hô nhau toàn những lời “có cánh”, mỹ miều, nhất là những đối tượng thường được gọi là “người của công chúng” như ca sĩ, diễn viên, cầu thủ bóng đá, người mẫu, người đẹp… Từ chuyện một cô ca sĩ sắp lên xe hoa, một cầu thủ bóng đá chuẩn bị lễ cưới, một chàng diễn viên điện ảnh có nhà lầu, một cô người mẫu sắp sinh con đầu lòng, một nhà thiết kế vừa mua chiếc xe hơi..., đến chuyện sở thích ăn uống, mang mặc, đầu tóc, dày dép, váy ngắn, quần dài của họ… cũng “trưng bày” lên hết mặt báo, trang mạng.
Còn “quá tả” thể hiện ở chỗ cùng một đối tượng, một con người (nhất là những người trong giới showbiz, giới doanh nhân) có tờ báo, trang mạng vừa hôm qua ca tụng họ lên “tận mây xanh”, nhưng khi họ có sơ suất, khuyết điểm, sai phạm gì, thì hôm sau chính tờ báo, trang mạng đó lại “vùi dập” tả tơi với đủ lời lẽ chì chiết, mỉa mai không thương tiếc. 
Hôm trước tụng lên mây xanh, hôm sau vùi dập tả tơi
Tranh minh họa: Họa sĩ LAP/ Tuổi trẻ
Săm soi quá đáng, làm rối nhiễu thông tin
Lại nữa, có những vụ việc đáng lẽ chỉ nói có chừng mực, mức độ vừa phải, nhưng truyền thông lại đi quá giới hạn đạo đức nghề nghiệp cho phép. Biểu hiện rõ nhất là thái độ săm soi quá đáng vào đời tư của những “ngôi sao” nghệ thuật, những người nổi tiếng, những người không may sa cơ lỡ bước vào con đường lầm lỗi. Sự quá đà này không những làm tổn thương cho những người trong cuộc, mà còn cả người thân họ.
Thế nên, có nhà văn hóa đã từng nói rằng, sự vô tình, vô tâm đến mức vô cảm của truyền thông đã trở thành “thủ phạm kép” làm điêu đứng bao số phận, làm tiêu tan bao thanh danh từng nổi đình nổi đám một thời, thậm chí “đánh gục” cả tương lai, niềm tin của một gia đình, một doanh nghiệp, một tổ chức.
Ở một khía cạnh khác, sự thái quá của truyền thông đôi khi còn biến những người “bất tài, vô danh” bỗng dưng trở thành những người “nổi tiếng bất đắc dĩ”, những kẻ “tài hèn, đức mọn” dễ tự huyễn hoặc, ảo tưởng về mình là “thần tượng, siêu sao”, biến những điều bình thường thành những điều hiếu kỳ, ma quái. Đáng nói hơn, có những vấn đề, sự kiện, hiện tượng vốn ban đầu chỉ là hiện tượng đơn lẻ, nhưng thông qua sự “khuếch đại, khuếch tán” đồng loạt của truyền thông đã bị “thổi phồng” thành bản chất, làm rối thông tin, nhiễu dư luận, tạo “áp lực giả” cho các cơ quan chức năng và người trong cuộc.

Thưa ‘con ông cháu cha’, nghề này không dành cho các vị!

Thưa ‘con ông cháu cha’, nghề này không dành cho các vị!

 - Nghề báo không phù hợp với những “cậu ấm, cô chiêu” con quan chức được chiều chuộng từ trứng nước, cũng như những người “sáng cắp ô đi, tối cắp về” đúng kiểu công chức hành chính. 
Nghề không tương thích với “cậu ấm, cô chiêu” 
Vừa qua, dư luận xôn xao với thông tin do ông Tô Quang Phán, Tổng giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội đưa ra. Theo đó, trong số hơn 700 cán bộ, phóng viên, người lao động ở cơ quan báo chí này, có tới 40% người làm việc yếu kém,  mà trong đó có bộ phận “con ông này cháu bà kia”. 
Thực ra, câu chuyện của Đài PTTH Hà Nội không phải cá biệt. Không ít cơ quan, đơn vị sự nghiệp vẫn được ví von vui là “nhà trông trẻ” vì tình trạng “gửi gắm” con em quan chức vào trong bộ máy. Công tâm mà nói, không phải con em lãnh đạo nào cũng “làng nhàng”. Nhưng số có kiến thức, lòng tự trọng và chí tiến thủ không nhiều, nhất là ở các cơ quan báo chí. 
Trong khi, nghề báo là một trong những nghề chọn người rất khắt khe, không phải ai tốt nghiệp đại học, kể cả chuyên ngành báo chí - truyền thông cũng theo được. Vì ngoài những kiến thức cơ bản được đào tạo trên ghế nhà trường, người làm báo phải có tố chất, năng khiếu báo chí. 
Tố chất, năng khiếu đó không chỉ biểu hiện ở sự nhanh nhạy, tinh tế trong phát hiện vấn đề, làm sáng tỏ bản chất của nó trong dòng chảy thông tin cuồn cuộn, mà còn phải có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo. Có vậy nhà báo mới thể hiện được vai trò vừa là nhân chứng tham gia tại sự kiện, vừa là chủ thể thông tin, tuyên truyền, nhận định, phân tích, bình luận sự kiện để góp phần giúp dư luận sáng tỏ.  
Thưa ‘con ông cháu cha’, nghề này không dành cho các vị!
Tình trạng "gửi gắm" khiến lãnh đạo nhiều cơ quan cũng đau đầu. Ảnh minh họa: Tuổi trẻ
Không những vậy, nhà báo còn phải có tinh thần xông xáo, ý thức dấn thân, sẵn sàng xông pha vào những “điểm nóng” (thiên tai, lụt bão, cháy nổ, thảm họa, dịch bệnh…) để tác nghiệp nhằm thu thập thông tin nóng hổi nhất phục vụ công chúng. Ngoài ra, nhà báo cũng cần có tinh thần bền bỉ để có thể làm việc kiên trì trong môi trường báo chí có cường độ lao động cao, điều kiện làm việc bất kể ngày đêm, khí hậu thời tiết.   
Rõ ràng, những yêu cầu về phẩm chất - năng lực cũng như điều kiện cần và đủ của một nhà báo như vậy thường không (hoặc ít) tương thích, phù hợp với những “cậu ấm, cô chiêu” con quan chức vốn được nâng niu, chiều chuộng từ trong “trứng nước”! Nghề báo cũng không phù hợp với những người “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” như một công chức hành chính, hay vào cơ quan báo chí chỉ mong có cái thẻ nhà báo như một nghề nghiệp mang tính “tô son, điểm phấn”. 
Hiện nay, hầu hết lãnh đạo các cơ quan báo chí cấp tỉnh (tổng biên tập báo đảng bộ, giám đốc đài PTTH) thường có cơ cấu trong ban chấp hành đảng bộ tỉnh. Với tư cách là người đứng đầu một đơn vị sự nghiệp trong tỉnh, chắc hẳn nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí địa phương cũng không khỏi trăn trở, đau đầu vì phải tiếp nhận những suất biên chế là con em lãnh đạo ở địa phương. Nhất là khi những suất biên chế đó chỉ nhằm mục đích “giữ chỗ” nhiều hơn là làm việc, cống hiến hết mình cho nghề báo vốn nhọc nhằn, vất vả. 
Nghề “phu chữ” 
Đến nay, cả nước có 36.000 người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí ở gần 850 cơ quan báo chí, trong đó có 18.000 người được cấp Thẻ nhà báo. Trong số đó, không biết có tỉ lệ bao nhiêu phần trăm thuộc thành phần “con ông cháu cha”? Nhưng có một sự thật mà những người cầm bút chân chính trong làng báo Việt Nam đều biết, đó là thẻ nhà báo thì nhiều, nhưng những nhà báo giỏi thật sự thì ít. 
Điều này thể hiện tương đối rõ ở các cơ quan báo chí hiện nay. Tỷ lệ những cây viết “quyền uy”, xuất sắc, những nhà báo lành nghề có khả năng “tác chiến” thành công mọi nơi mọi lúc lại thường chỉ chiếm số nhỏ. 
Toàn ‘con ông nọ cháu bà kia’, đuổi thế nào mà đuổi

Toàn ‘con ông nọ cháu bà kia’, đuổi thế nào mà đuổi

Sa thải một nhân viên được “gửi gắm” không đơn giản chỉ là làm mếch lòng người gửi gắm và mọi chuyện dừng lại ở đó.    
Nghề báo, như nhiều người trong nghề đã đúc rút, là nghề “phu chữ”, nghề “lao tâm khổ tứ”, chứ không phải hào nhoáng kiểu công du nay đây mai đó, cưỡi ngựa xem hoa, an nhàn, sung túc, dễ có thu nhập cao… như một số người hình dung. Phía sau mỗi con chữ, bài viết, bức ảnh, khuôn hình, thước phim hoàn thiện được đăng tải trên báo, phát sóng trên phát thanh, truyền hình là thấm đẫm biết bao mồ hôi, và đôi khi cả nước mắt đắng cay của người trong cuộc. 
Vậy nên, nếu ai đó thấy rõ bản thân hay con em mình không hội tụ đầy đủ những điều kiện cần thiết để dấn thân, làm việc trong một môi trường đòi hỏi tính chuyên nghiệp, sáng tạo và cạnh tranh như lĩnh vực báo chí, thì đừng cố theo đuổi nghề nghiệp này. Bởi như thế vừa làm chính mình mệt mỏi, vừa lấy mất chỗ của những người thực sự phù hợp và yêu nghề hơn! 
Thiện Văn

Chứng kiến cháu đi học, tôi ngạc nhiên không ngừng

Chứng kiến cháu đi học, tôi ngạc nhiên không ngừng

Càng tìm hiểu cái sự học hành ở Đức tôi càng thấy nhiều điều ngạc nhiên đáng nể.
Lễ khai giảng “bình thường”
Tôi may mắn được dự 2 lần khai giảng của 2 cháu nội sinh đôi của tôi ở Đức. Lần đầu vào năm 2014 khi các cháu vào lớp 1 tiểu học và lần hai này là khi các cháu vào lớp 5, lớp mở đầu của trường trung học. Cả hai lần đều là trường công lập và đều để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi.
Mỗi học sinh lớp 1 đều có rất nhiều người “ăn theo” từ bố mẹ, ông bà đến cô chú… Đông người nhưng trật tự. Quang cảnh nhà trường bình thường như mọi ngày. Không cờ, không hoa, cũng không có khẩu hiệu, băng rôn. Cái làm nên sự khác biệt ngày khai giảng nhập học lớp 1 chính là bản thân các cháu sắp đi học. Quần áo đẹp, trên tay có túi quà rất đặc trưng theo truyền thống Đức vào lớp 1 được từng gia đình chuẩn bị từ trước cùng đám đông gia đình đi theo.
Và lần này khi các cháu tôi vào lớp 5, tức lớp đầu của trung học, thì cũng vậy. Nhập học đơn giản, cũng không trang trí phông màn, cờ hoa gì. Thậm chí không có cả phát biểu khai giảng long trọng của lãnh đạo nhà trường. Cái để lại trong lòng học sinh nhập học và phụ huynh chính là màn biểu diễn nghệ thuật khá đặc sắc và công phu của các cháu lớp 5 khóa trước chào đón các cháu lớp 5 khóa mới.
Thông điệp đơn giản mà sâu sắc: Cứ học đi sẽ như bọn anh chị và sang năm nhớ đón các em lớp 5 mới cho tốt nhé! Thày cô giáo ăn mặc bình thường như mọi ngày, quần bò, áo phông. Tiếp đó là chia lớp và các cháu theo thày cô phụ trách về lớp. Lễ nhập học kết thúc. 
Chứng kiến cháu đi học, tôi ngạc nhiên không ngừng
Hình ảnh trong một lớp học tại Đức.
Học trò đa sắc tộc
Bây giờ đến các nước như Đức, Pháp, Italia… dễ dàng nhận ra đó là những quốc gia đa sắc tộc. Cách đây mươi năm tôi được chuyên gia Đức cho biết nếu với mức sinh con của người Đức như hiện tại thì đến năm 2060 nước Đức sẽ giảm từ trên 80 triệu xuống chỉ còn cỡ 60 triệu dân, nên cần có nhiều biện pháp để ứng phó câu chuyện này, mà một trong số đó là đẩy mạnh nhập cư có chọn lọc nhằm gia tăng dân số và lực lượng lao động có chất lượng cao.
Không biết bây giờ dự báo đó còn chính xác không, nhưng nhìn vào các cháu dự lễ nhập học đầu năm thì thấy đúng là học trò đa sắc tộc. Lớp 1 hai cháu tôi vào cách đây 4 năm có lẽ tỷ lệ học sinh gốc Đức khoảng 50%. Lớp 5 năm nay tỷ lệ này may ra được 30%. Đủ các sắc màu ngoài Đức như Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Nga, Việt Nam, Trung Quốc…
Trường sở: từ đơn giản đến ấn tượng
Trường tiểu học các cháu tôi theo học khá đơn giản, chỉ là một khối nhà 3 tầng, kể cả hành chính, sân trường và phòng thể thao. Nhìn bề ngoài thì cũ kỹ, nhưng vào trong thì phòng ốc ngon lành, trang thiết bị phục vụ học hành khá tốt.
Đến trường trung học thì quả là khác biệt. Trường này có tên riêng là Trường Trung học cổ Bremen, có lịch sử lâu đời, được thành lập năm 1528. Cơ sở vật chất của trường thật đáng nể, thậm chí lớn hơn, to hơn một trường đại học tư ở ta về diện tích và các tòa nhà sử dụng.
Tương ứng với quy mô trường sở là quy mô lớp học. Lớp 1 mỗi lớp khoảng 20 – 23 học sinh. Lớp 5 các cháu tôi khoảng 28 – 30 học sinh.
Không thu học phí…
Các cháu tôi đi học không mất tiền vì Đức thực thi chính sách không học phí tại trường công lập từ mẫu giáo đến đại học từ nhiều năm nay. Một chính sách thể hiện rõ sự chăm lo, quan tâm của nhà nước đến sự học hành của con người. Số liệu thống kê cho thấy khoảng 9% học sinh tiểu học và trung học tại Đức học tại trường tư. Đương nhiên học trường tư thì phải đóng học phí khác hẳn trường công là miễn phí.
Thỉnh thoảng ở Đức lại rộ lên câu chuyện phải thu học phí tại các trường đại học công lập, tuy nhiên Nghị viện Đức không thông qua, mà cuối cùng chỉ ra một nghị quyết theo hướng tùy các Bang trong Liên Bang có thể ra chính sách thu học phí khiêm tốn tại đại học bang mình. Trên thực tế hiện có một khoản sinh viên phải nộp được gọi là “đóng góp học kỳ” tương đương khoảng 3 - 10 triệu đồng tại các trường đại học công lập một số Bang của Đức.
Và sách giáo khoa miễn phí
Càng tìm hiểu cái sự học hành ở Đức tôi càng thấy nhiều điều ngạc nhiên đáng nể. Một trong những cái ngạc nhiên đó là sách giáo khoa. Hôm rồi xem bài vở học tiếng Anh của hai cháu nội, rồi đối chiếu với sách dạy tiếng Anh mới phát hiện ra mình thường tư duy theo kiểu nước ta thế này, nước ta thế kia, nên luôn nghĩ đã là sách giáo khoa thì đầu năm học bố mẹ học sinh phải tự mua cho con mình.
Hóa ra không phải. Các cháu đều được nhà trường cho mượn sách, không mất tiền nong gì cả. Cuốn sách tiếng Anh của một trong hai cháu tôi được cho mượn lần đầu vào năm 2010. Trang đầu tiên có in một bảng biểu đơn giản, theo đó là tên học sinh mượn, lớp năm mấy, ngày tháng mượn, ngày tháng trả lại. Đến cháu tôi là năm thứ 8 cuốn sách được tiếp tục sử dụng. Thật đáng nể.
Nể ở chỗ bố mẹ các cháu học sinh hàng năm không phải bỏ một khoản tiền lớn mua SGK cho con mình. Nể tiếp theo là tính bền vững về chất lượng sách giáo khoa, cụ thể trong ví dụ này là 8 năm không thay đổi sách. Nể cuối cùng là qua đó giáo dục cho học sinh ý thức bảo quản, sử dụng sách để sang năm lại có người khác sử dụng. Trang đầu mỗi cuốn SGK cho học sinh mượn đều có in mấy dòng chữ nói rõ sách là tài sản của trường, học sinh mượn sách có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản và chịu trách nhiệm bồi thường khi làm mất, làm hư hỏng.
Khi thấy tôi khen câu chuyện mượn sách miễn phí thì con dâu tôi kể luôn là con trai của bạn mình vừa rồi quên đến trường làm thủ tục mượn sách giáo khoa đầu năm học, nên sau đó gia đình phải tự bỏ tiền ra mua sách cho con mình quy đổi ra là quãng hơn chục triệu đồng. Đã không thu học phí, giờ sách giáo khoa lại mượn miễn phí nữa thì quả là tốt cho các gia đình có con đi học.
Đinh Duy Hòa

GS. Tom Patterson: "McCain đã học từ người Việt Nam về lòng vị tha"

GS. Tom Patterson: "McCain đã học từ người Việt Nam về lòng vị tha"

John McCain là hiện thân của những gì người ta hy vọng ở một chính trị gia, nhưng hiếm có. Ông là người đã đặt nguyên tắc lên trên lòng trung thành với đảng phái, và đặt lợi ích công lên trên lợi ích cá nhân.
Năm ngoái, John McCain đã được nhận Huân chương Tự do của Trung tâm Hiến pháp Quốc gia vì cam kết với các ý tưởng cao cả. Trước ông, chỉ có hai người được nhận Huân chương này là Nelson Mandela và Đạt lai Lạt ma. Những gì McCain từng nói là chỉ dẫn về con người ông và phẩm cách lãnh đạo của ông.
GS. Tom Patterson: 'McCain đã học từ người Việt Nam về lòng vị tha'
Thượng nghị sĩ Edward Kennedy, Joe Lieberman và John McCain nói chuyện tại Washington năm 2008. Ảnh: Reuters.
McCain nói rằng những người “từ bỏ các lý tưởng của mình” và đặt chúng ta chống lại người khác “là không yêu nước”. “Chúng ta là những người trông coi các ý tưởng đó”. Ông kết luận: “Tôi đã được truyền cảm hứng bởi việc phục vụ những người yêu nước giỏi hơn tôi. Tôi đã thấy nhiều người Mỹ hy sinh cho đất nước mình và các sự nghiệp của đất nước, cho những người có còn xa lạ với họ nhưng vì nhân loại chung, những sự hy sinh còn khó khăn hơn là sự phục vụ mà tôi được yêu cầu. Tôi đã thấy việc tốt mà họ làm, những tính mạng mà họ giải phóng khỏi sự độc tài và bất công, niềm hy vọng mà họ thắp nên, và những giấc mơ mà họ đã biến thành hiện thực”.
Nói theo một cách nào đó, McCain không hẳn là một người bảo vệ nhân loại thông thường. Ông là con trai của một đô đốc Hải quân Mỹ và máy bay của ông bị bắn hạ khi đang thực hiện đánh bom trên bầu trời Hà Nội.Sau đó ông đã bị giam giữ một vài năm.
Sự việc khiến ta hiểu sâu hơn về con người này bắt đầu khi Việt Nam đồng ý trả tự do cho ông nhờ vị thế của cha. McCain đã nói rằng ông sẽ vẫn ở lại nếu các phi công người Mỹ khác cùng tham chiến vẫn chưa được thả.
Khi chiến tranh kết thúc, ông được trả về Mỹ, McCain đã không dùng sự cay đắng để đáp trả thời gian bị cầm tù, mà đáp lại bằng một quyết tâm giải quyết nguyên nhân chia rẽ giữa Việt Nam và Mỹ dẫn tới chiến tranh. Cùng với người bạn thượng nghị sĩ và cũng là một cựu binh trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam John Kerry, McCain đã làm nhiều hơn bất kỳ người Mỹ nào có thể làm để thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
GS. Tom Patterson: 'McCain đã học từ người Việt Nam về lòng vị tha'
Năm 1996, McCain (thứ ba từ trái sang) đến Việt Nam và gặp lại ông Mai Văn Ổn, một trong những người đã cứu ông từ hồ Trúc Bạch khi McCain phải nhảy dù xuống đây năm 1967. Ảnh: AP.
McCain không mắc nhiều lỗi trong sự nghiệp của mình, nhưng ông đã nhận trách nhiệm về các lỗi mình gây ra. Ông trở lại để chứng kiến và nói rằng cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam là sai lầm. Và ông công khai thể hiện sự hối tiếc vì đã bỏ phiếu cho cuộc xâm lược của Mỹ tại Iraq vào năm 2003. Một trong những ví dụ rõ nhất về việc ông tuân thủ nguyên tắc là trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2008. Ông đối đầu với ứng cử viên Barack Obama, người mà rất nhiều người trong đảng của ông cho là có âm mưu Hồi giáo nhằm hủy hoại nước Mỹ từ bên trong. Khi được hỏi một câu về tác động đó trong chiến dịch tranh cử, McCain đã ngay lập tức phản đối, và khẳng định rằng Obama là một người Mỹ nghiêm túc và tận tâm.
McCain là một người Cộng hòa và hầu hết các quan điểm chính trị của ông đều phù hợp với quan điểm của đảng Cộng hòa. Nhưng ông nhất quyết không để cho lòng trung thành với đảng phái đó ảnh hưởng tới quyết định của mình về cách chính trực nhất để làm chính trị.
Trong đảng, ông là người chỉ trích công khai nhất Tổng thống Donald Trump về thái độ không thèm đếm xỉa đến truyền thống và thiếu tôn trọng các thể chế và luật pháp. McCain không ngừng chỉ trích Tổng thống Trump vì đã không đi đầu thế giới trong sự nghiệp tự do. McCain nói: “Từ bỏ các lý tưởng mà chúng ta đã thúc đẩy trên khắp địa cầu, từ bỏ các nghĩa vụ của một người lãnh đạo thế giới và nghĩa vụ của chúng ta phải duy trì ‘niềm hy vọng tốt nhất cuối cùng của trái đất’ chỉ vì chủ nghĩa dân tộc giả mạo và nửa vời… là không yêu nước, giống như gắn với bất kỳ giáo điều nào khác trong quá khứ”.
John McCain ra đi, nước Mỹ đã mất đi một người lãnh đạo vĩ đạo, và Việt Nam mất đi một người bạn thực sự. McCain đã học từ người Việt Nam về lòng vị tha, về nhân loại của chúng ta, về thảm kịch có thể xảy ra khi các nước mạnh tìm cách dọa nạt những nước nhỏ hơn. Các chuyến thăm lại Việt Nam của ông là một sự chuộc tội vì ông đã giúp kéo hai nước cựu thù xích lại gần nhau hơn. Ông nói: “Không gì trong cuộc sống làm cho mình tự do hơn là chiến đấu vì một sự nghiệp lớn hơn chính mình, cái vây quanh bạn, nhưng không được quyết định bởi mỗi sự tồn tại của bạn”.
Tom Patterson, GS Chính phủ và báo chí trường ĐH Harvard, thành viên Hội đồng quản trị Viện Michael Dukakis

Những kỷ niệm với TNS John McCain

Những kỷ niệm với TNS John McCain

Một trong những kỷ niệm cuối cùng mà tôi có được với ông trong nhiệm kỳ tham tán của mình là cuốn sách “Worth the fighting for” – do TNS McCain viết chung với Mark Salter.
LTS – Trong thời gian làm việc ở Trung tâm Báo chí Nước ngoài, Phòng Phiên dịch (BNG) và Tham tán Chính trị Đại Sứ quán Việt Nam tại Mỹ, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO (BNG) Vũ Bình có nhiều cơ hội được tiếp xúc với cố TNS John McCain. Dưới đây là vài kỷ niệm của ông.
Những kỷ niệm với TNS John McCain
Đại sứ Vũ Bình đứng bìa trái cùng TNS John Mc Cain và các quan chức ngoại giao và thương mại Việt Nam.
Tôi gặp ông John McCain lần đầu tiên là vào năm 1985, khi ông vào Việt Nam lần đầu tiên kể từ sau khi được trao trả tù binh năm 1973 theo một chương trình của Hãng truyền hình Mỹ CBS News với sự sắp xếp của Trung tâm báo chí (BNG).
Chương trình do cố phóng viên nổi tiếng Walter Cronkite trực tiếp làm bình luận viên. Một mục đích không công bố của ông McCain trong chuyến đi này là  thúc đẩy việc giải quyết vấn đề tìm kiếm Người Mỹ mất tích và Tù binh chiến tranh (MIA/POW), một vấn đề Quốc hội Mỹ cực kỳ quan tâm và coi đó là điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Trước đó, đầu những năm ’80 có Hạ nghị sĩ Montgomery vào Việt Nam cũng vì mục đích này.
Ông McCain là người hết sức nổi tiếng vì xuất thân trong gia đình danh giá, cả ông và cha đều là Đô đốc Hải quân. Ông McCain tốt nghiệp Học viện Hải quân và trở thành phi công của Hải quân. Sau khi bị bắn rơi và trở thành tù binh năm 1967, việc trao trả ông đã không ít lần được hai bên tính đến trong quá trình tiếp xúc, trao đổi, trước khi có Hiệp định Paris. Chính vì vậy, chuyến đi đầu tiên của ông sang Việt Nam thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí Mỹ và thế giới. CBS News giành được quyền thực hiện chương trình riêng này với John McCain là nhờ có Walter Kronkite trực tiếp tham gia.
Lần đó, tôi được Trung tâm Báo chí nước Ngoài cử giúp anh Nguyễn Quang Dy trong công tác sắp xếp chương trình, hướng dẫn và phiên dịch cho đoàn. Tôi ấn tượng khi cùng HNS John McCain và nhóm phóng viên CBS News tới xem xác B52 ở Vườn Bách Thảo và tham quan Hồ Trúc Bạch, nơi phi công McCain bị bắn rơi. Tôi nhận thấy HNS McCain hết sức tâm trạng. Nói chuyện với các nhà báo Mỹ về quan hệ Mỹ - Việt, ông nói “đã đến lúc phải tính đến chuyện thay đổi quan hệ giữa hai nước”.  
Với tư cách hướng dẫn viên báo chí, sau lần đó tôi có nhiều dịp được  diện kiến ông McCain khi ông thăm Việt Nam. Từ năm 1986 ông trở thành Thượng nghị sĩ và sau đó liên tục giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Thượng viện như Chủ tịch Ủy ban Thương mại, Chủ tịch Ủy ban Quân lực của Thượng viện Mỹ.  Mỗi lần ông vào Việt Nam luôn có phóng viên Mỹ đi đưa tin. 
Năm 1999-2000, TNS John McCain lần đầu tiên ra ứng cử Tổng thống Mỹ; đối thủ của ông trong Đảng Cộng hòa là Geoger W. Bush (con). Đầu năm 2000, mặc dù trong chiến dịch vận động tranh cử, TNS McCain đã sang Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 25 năm chấm dứt chiến tranh. Trong chuyến đi này, ông McCain phát biểu trước báo giới Mỹ tại Hanoi Hilton (Hỏa Lò) và tại TP HCM. Trong cả hai lần, ông tỏ ra bất mãn với thời gian ông bị giam cầm, có những lời không mấy tốt đẹp với những người giam giữ ông.
Chúng ta đã có phát ngôn đáp lại. Lúc đó tôi chuyển về Phòng Phiên dịch và chịu trách nhiệm dịch lời phát ngôn ấy sang tiếng Anh. Vì tiếp xúc với ông McCain nhiều lần, tôi nghĩ trong bản thân ông có cuộc đấu tranh giữa tình cảm thể hiện sự bất mãn cá nhân và lý trí thể hiện tầm nhìn muốn cải thiện quan hệ giữa hai nước, nên tôi quyết định dịch hai bản khác nhau.
Ở bản đầu, lời lẽ tiếng Anh khá đối xứng với cách dùng từ trong bản tiếng Việt. Bản thứ hai, tôi sử dụng khá nhiều từ đồng nghĩa, với sắc thái nhẹ nhàng hơn nhiều mặc dù vẫn thể hiện rõ thái độ của chúng ta không đồng tình với thái độ của ông với người Việt Nam và đất nước Việt Nam, cũng như sự sai lệch của ông khi nhìn nhận về lịch sử cuộc chiến. Lúc đó, tôi nghĩ “bát nước đã đổ đi rất khó gạn lại”.
Những kỷ niệm với TNS John McCain
Quyển Hồi ký do TNS Mc Cain ký tặng ĐS Vũ Bình.
Tôi báo cáo cả hai bản dịch cho Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao. Sau khi đọc rất kỹ hai bản dịch, vị quan chức này quyết định chọn phương án 2. 
Sau này, khi sang làm tham tán chính trị, tôi thường xuyên tiếp xúc, làm việc với văn phòng TNS John McCain. Khi quan hệ đã khá gần, tôi có giải thích với họ rằng, đôi khi trong chiến tranh rất khó thực hiện những điều mà chính sách lúc đó không cho phép để nói về giai đoạn ông McCain ở “khách sạn Hilton”. 
Chẳng hạn, tôi tin Mỹ không có ý định ném bom những nơi thờ tự hay bệnh viện, nhưng thực tế Bệnh viện Bạch Mai và nhiều chùa chiền, nhà thờ đã bị bom dập tan hoang. Còn chính sách nhất quán của Việt Nam là không tra tấn tù binh, nhưng chẳng may hôm hỏi cung người hỏi cung vừa được báo tin cả nhà bị trúng bom và chết hết, trong trường hợp đó, anh ta cũng khó lòng che dấu cảm xúc đau thương, và biểu hiện ra hành động. Tôi nghĩ họ có nói lại với TNS McCain, bởi vì sau đó không thấy ông nhắc tới kỷ niệm đáng buồn đó nữa.
Ông McCain có rất nhiều đóng góp trong quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt, và thúc đẩy mối quan hệ này sau khi bình thường hóa, đặc biệt là việc thông qua Hiệp định Thương mại Song phương - một văn kiện mà ngày nay ta càng thấy ý nghĩa quan trọng.
Một trong những kỷ niệm cuối cùng mà tôi có được với ông trong nhiệm kỳ tham tán của mình là cuốn sách “Worth the fighting for” – do TNS McCain viết chung với Mark Salter, CVP của ông. Trong cuốn sách có một chương nói về quá trình cải thiện quan hệ Mỹ - Việt, trong đó đánh giá rất cao những đóng góp của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và Thứ trưởng Lê Mai – những đại sư phụ trong nghề ngoại giao.
Tôi nói với Văn phòng của TNS McCain rằng tôi đã đọc cuốn sách này và muốn được ông đề tặng. Và đây là cuốn sách tôi đã được TNS McCain tặng (mở cho xem). Đó là một trong những kỷ vật rất đáng nhớ trong nghề ngoại giao của tôi.
Huỳnh Phan (ghi)