Thưa ‘con ông cháu cha’, nghề này không dành cho các vị!
12/07/2018 06:39 GMT+7
- Nghề báo không phù hợp với những “cậu ấm, cô chiêu” con quan chức được chiều chuộng từ trứng nước, cũng như những người “sáng cắp ô đi, tối cắp về” đúng kiểu công chức hành chính.
Nghề không tương thích với “cậu ấm, cô chiêu”
Vừa qua, dư luận xôn xao với thông tin do ông Tô Quang Phán, Tổng giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội đưa ra. Theo đó, trong số hơn 700 cán bộ, phóng viên, người lao động ở cơ quan báo chí này, có tới 40% người làm việc yếu kém, mà trong đó có bộ phận “con ông này cháu bà kia”.
Thực ra, câu chuyện của Đài PTTH Hà Nội không phải cá biệt. Không ít cơ quan, đơn vị sự nghiệp vẫn được ví von vui là “nhà trông trẻ” vì tình trạng “gửi gắm” con em quan chức vào trong bộ máy. Công tâm mà nói, không phải con em lãnh đạo nào cũng “làng nhàng”. Nhưng số có kiến thức, lòng tự trọng và chí tiến thủ không nhiều, nhất là ở các cơ quan báo chí.
Trong khi, nghề báo là một trong những nghề chọn người rất khắt khe, không phải ai tốt nghiệp đại học, kể cả chuyên ngành báo chí - truyền thông cũng theo được. Vì ngoài những kiến thức cơ bản được đào tạo trên ghế nhà trường, người làm báo phải có tố chất, năng khiếu báo chí.
Tố chất, năng khiếu đó không chỉ biểu hiện ở sự nhanh nhạy, tinh tế trong phát hiện vấn đề, làm sáng tỏ bản chất của nó trong dòng chảy thông tin cuồn cuộn, mà còn phải có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo. Có vậy nhà báo mới thể hiện được vai trò vừa là nhân chứng tham gia tại sự kiện, vừa là chủ thể thông tin, tuyên truyền, nhận định, phân tích, bình luận sự kiện để góp phần giúp dư luận sáng tỏ.
Tình trạng "gửi gắm" khiến lãnh đạo nhiều cơ quan cũng đau đầu. Ảnh minh họa: Tuổi trẻ |
Không những vậy, nhà báo còn phải có tinh thần xông xáo, ý thức dấn thân, sẵn sàng xông pha vào những “điểm nóng” (thiên tai, lụt bão, cháy nổ, thảm họa, dịch bệnh…) để tác nghiệp nhằm thu thập thông tin nóng hổi nhất phục vụ công chúng. Ngoài ra, nhà báo cũng cần có tinh thần bền bỉ để có thể làm việc kiên trì trong môi trường báo chí có cường độ lao động cao, điều kiện làm việc bất kể ngày đêm, khí hậu thời tiết.
Rõ ràng, những yêu cầu về phẩm chất - năng lực cũng như điều kiện cần và đủ của một nhà báo như vậy thường không (hoặc ít) tương thích, phù hợp với những “cậu ấm, cô chiêu” con quan chức vốn được nâng niu, chiều chuộng từ trong “trứng nước”! Nghề báo cũng không phù hợp với những người “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” như một công chức hành chính, hay vào cơ quan báo chí chỉ mong có cái thẻ nhà báo như một nghề nghiệp mang tính “tô son, điểm phấn”.
Hiện nay, hầu hết lãnh đạo các cơ quan báo chí cấp tỉnh (tổng biên tập báo đảng bộ, giám đốc đài PTTH) thường có cơ cấu trong ban chấp hành đảng bộ tỉnh. Với tư cách là người đứng đầu một đơn vị sự nghiệp trong tỉnh, chắc hẳn nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí địa phương cũng không khỏi trăn trở, đau đầu vì phải tiếp nhận những suất biên chế là con em lãnh đạo ở địa phương. Nhất là khi những suất biên chế đó chỉ nhằm mục đích “giữ chỗ” nhiều hơn là làm việc, cống hiến hết mình cho nghề báo vốn nhọc nhằn, vất vả.
Nghề “phu chữ”
Đến nay, cả nước có 36.000 người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí ở gần 850 cơ quan báo chí, trong đó có 18.000 người được cấp Thẻ nhà báo. Trong số đó, không biết có tỉ lệ bao nhiêu phần trăm thuộc thành phần “con ông cháu cha”? Nhưng có một sự thật mà những người cầm bút chân chính trong làng báo Việt Nam đều biết, đó là thẻ nhà báo thì nhiều, nhưng những nhà báo giỏi thật sự thì ít.
Điều này thể hiện tương đối rõ ở các cơ quan báo chí hiện nay. Tỷ lệ những cây viết “quyền uy”, xuất sắc, những nhà báo lành nghề có khả năng “tác chiến” thành công mọi nơi mọi lúc lại thường chỉ chiếm số nhỏ.
Toàn ‘con ông nọ cháu bà kia’, đuổi thế nào mà đuổi
Sa thải một nhân viên được “gửi gắm” không đơn giản chỉ là làm mếch lòng người gửi gắm và mọi chuyện dừng lại ở đó.
Nghề báo, như nhiều người trong nghề đã đúc rút, là nghề “phu chữ”, nghề “lao tâm khổ tứ”, chứ không phải hào nhoáng kiểu công du nay đây mai đó, cưỡi ngựa xem hoa, an nhàn, sung túc, dễ có thu nhập cao… như một số người hình dung. Phía sau mỗi con chữ, bài viết, bức ảnh, khuôn hình, thước phim hoàn thiện được đăng tải trên báo, phát sóng trên phát thanh, truyền hình là thấm đẫm biết bao mồ hôi, và đôi khi cả nước mắt đắng cay của người trong cuộc.
Vậy nên, nếu ai đó thấy rõ bản thân hay con em mình không hội tụ đầy đủ những điều kiện cần thiết để dấn thân, làm việc trong một môi trường đòi hỏi tính chuyên nghiệp, sáng tạo và cạnh tranh như lĩnh vực báo chí, thì đừng cố theo đuổi nghề nghiệp này. Bởi như thế vừa làm chính mình mệt mỏi, vừa lấy mất chỗ của những người thực sự phù hợp và yêu nghề hơn!
Thiện Văn
No comments:
Post a Comment