Thursday, August 30, 2018

Hôm trước tụng lên mây xanh, hôm sau vùi dập tả tơi

Hôm trước tụng lên mây xanh, hôm sau vùi dập tả tơi

 - Những người cầm bút chân chính không bao giờ dễ dãi, tự do, tùy tiện trong nghề nghiệp, mà luôn có suy nghĩ đúng đắn, thái độ đúng mực, cái nhìn đúng tầm đối với từng con chữ, từng tác phẩm của mình.
Khi “quá hữu”, lúc lại “quá tả”
Chưa bao giờ hiệu ứng truyền thông lại có sự lan tỏa nhanh nhạy, mạnh mẽ như hiện nay. Sống trong “thế giới phẳng”, chỉ cần một chiếc lap top nhỏ gọn hay chiếc iphone, ipad trong tay, người sử dụng có thể biết “tất tần tật” mọi thứ, mọi việc xảy ra trên hành tinh này. Nhưng mặt trái của thời đại “internet hóa” cũng dễ làm cho ranh giới thật- giả, tốt- xấu, thiện- ác, đúng- sai, phải- trái, cao thượng- thấp hèn, văn minh- lạc hậu… trở nên mong manh hơn, bởi truyền thông có lúc đã đi quá chừng mực cho phép, nếu không muốn nói là làm lệch chuẩn, biến dạng, méo mó bản chất sự vật, hiện tượng. Điều đó dẫn tới hệ lụy là gây nhiễu loạn dư luận xã hội, làm gia tăng tâm lý bất an cho công chúng.
Sự thái quá của truyền thông thời gian qua nảy sinh ở hai cấp độ, khi thì “quá hữu”, lúc lại “quá tả”. “Quá hữu” biểu hiện ở chỗ khen ngợi ai đó thì “vống” hết lời, vuốt ve, tung hô nhau toàn những lời “có cánh”, mỹ miều, nhất là những đối tượng thường được gọi là “người của công chúng” như ca sĩ, diễn viên, cầu thủ bóng đá, người mẫu, người đẹp… Từ chuyện một cô ca sĩ sắp lên xe hoa, một cầu thủ bóng đá chuẩn bị lễ cưới, một chàng diễn viên điện ảnh có nhà lầu, một cô người mẫu sắp sinh con đầu lòng, một nhà thiết kế vừa mua chiếc xe hơi..., đến chuyện sở thích ăn uống, mang mặc, đầu tóc, dày dép, váy ngắn, quần dài của họ… cũng “trưng bày” lên hết mặt báo, trang mạng.
Còn “quá tả” thể hiện ở chỗ cùng một đối tượng, một con người (nhất là những người trong giới showbiz, giới doanh nhân) có tờ báo, trang mạng vừa hôm qua ca tụng họ lên “tận mây xanh”, nhưng khi họ có sơ suất, khuyết điểm, sai phạm gì, thì hôm sau chính tờ báo, trang mạng đó lại “vùi dập” tả tơi với đủ lời lẽ chì chiết, mỉa mai không thương tiếc. 
Hôm trước tụng lên mây xanh, hôm sau vùi dập tả tơi
Tranh minh họa: Họa sĩ LAP/ Tuổi trẻ
Săm soi quá đáng, làm rối nhiễu thông tin
Lại nữa, có những vụ việc đáng lẽ chỉ nói có chừng mực, mức độ vừa phải, nhưng truyền thông lại đi quá giới hạn đạo đức nghề nghiệp cho phép. Biểu hiện rõ nhất là thái độ săm soi quá đáng vào đời tư của những “ngôi sao” nghệ thuật, những người nổi tiếng, những người không may sa cơ lỡ bước vào con đường lầm lỗi. Sự quá đà này không những làm tổn thương cho những người trong cuộc, mà còn cả người thân họ.
Thế nên, có nhà văn hóa đã từng nói rằng, sự vô tình, vô tâm đến mức vô cảm của truyền thông đã trở thành “thủ phạm kép” làm điêu đứng bao số phận, làm tiêu tan bao thanh danh từng nổi đình nổi đám một thời, thậm chí “đánh gục” cả tương lai, niềm tin của một gia đình, một doanh nghiệp, một tổ chức.
Ở một khía cạnh khác, sự thái quá của truyền thông đôi khi còn biến những người “bất tài, vô danh” bỗng dưng trở thành những người “nổi tiếng bất đắc dĩ”, những kẻ “tài hèn, đức mọn” dễ tự huyễn hoặc, ảo tưởng về mình là “thần tượng, siêu sao”, biến những điều bình thường thành những điều hiếu kỳ, ma quái. Đáng nói hơn, có những vấn đề, sự kiện, hiện tượng vốn ban đầu chỉ là hiện tượng đơn lẻ, nhưng thông qua sự “khuếch đại, khuếch tán” đồng loạt của truyền thông đã bị “thổi phồng” thành bản chất, làm rối thông tin, nhiễu dư luận, tạo “áp lực giả” cho các cơ quan chức năng và người trong cuộc.

Thưa ‘con ông cháu cha’, nghề này không dành cho các vị!

Thưa ‘con ông cháu cha’, nghề này không dành cho các vị!

 - Nghề báo không phù hợp với những “cậu ấm, cô chiêu” con quan chức được chiều chuộng từ trứng nước, cũng như những người “sáng cắp ô đi, tối cắp về” đúng kiểu công chức hành chính. 
Nghề không tương thích với “cậu ấm, cô chiêu” 
Vừa qua, dư luận xôn xao với thông tin do ông Tô Quang Phán, Tổng giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội đưa ra. Theo đó, trong số hơn 700 cán bộ, phóng viên, người lao động ở cơ quan báo chí này, có tới 40% người làm việc yếu kém,  mà trong đó có bộ phận “con ông này cháu bà kia”. 
Thực ra, câu chuyện của Đài PTTH Hà Nội không phải cá biệt. Không ít cơ quan, đơn vị sự nghiệp vẫn được ví von vui là “nhà trông trẻ” vì tình trạng “gửi gắm” con em quan chức vào trong bộ máy. Công tâm mà nói, không phải con em lãnh đạo nào cũng “làng nhàng”. Nhưng số có kiến thức, lòng tự trọng và chí tiến thủ không nhiều, nhất là ở các cơ quan báo chí. 
Trong khi, nghề báo là một trong những nghề chọn người rất khắt khe, không phải ai tốt nghiệp đại học, kể cả chuyên ngành báo chí - truyền thông cũng theo được. Vì ngoài những kiến thức cơ bản được đào tạo trên ghế nhà trường, người làm báo phải có tố chất, năng khiếu báo chí. 
Tố chất, năng khiếu đó không chỉ biểu hiện ở sự nhanh nhạy, tinh tế trong phát hiện vấn đề, làm sáng tỏ bản chất của nó trong dòng chảy thông tin cuồn cuộn, mà còn phải có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo. Có vậy nhà báo mới thể hiện được vai trò vừa là nhân chứng tham gia tại sự kiện, vừa là chủ thể thông tin, tuyên truyền, nhận định, phân tích, bình luận sự kiện để góp phần giúp dư luận sáng tỏ.  
Thưa ‘con ông cháu cha’, nghề này không dành cho các vị!
Tình trạng "gửi gắm" khiến lãnh đạo nhiều cơ quan cũng đau đầu. Ảnh minh họa: Tuổi trẻ
Không những vậy, nhà báo còn phải có tinh thần xông xáo, ý thức dấn thân, sẵn sàng xông pha vào những “điểm nóng” (thiên tai, lụt bão, cháy nổ, thảm họa, dịch bệnh…) để tác nghiệp nhằm thu thập thông tin nóng hổi nhất phục vụ công chúng. Ngoài ra, nhà báo cũng cần có tinh thần bền bỉ để có thể làm việc kiên trì trong môi trường báo chí có cường độ lao động cao, điều kiện làm việc bất kể ngày đêm, khí hậu thời tiết.   
Rõ ràng, những yêu cầu về phẩm chất - năng lực cũng như điều kiện cần và đủ của một nhà báo như vậy thường không (hoặc ít) tương thích, phù hợp với những “cậu ấm, cô chiêu” con quan chức vốn được nâng niu, chiều chuộng từ trong “trứng nước”! Nghề báo cũng không phù hợp với những người “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” như một công chức hành chính, hay vào cơ quan báo chí chỉ mong có cái thẻ nhà báo như một nghề nghiệp mang tính “tô son, điểm phấn”. 
Hiện nay, hầu hết lãnh đạo các cơ quan báo chí cấp tỉnh (tổng biên tập báo đảng bộ, giám đốc đài PTTH) thường có cơ cấu trong ban chấp hành đảng bộ tỉnh. Với tư cách là người đứng đầu một đơn vị sự nghiệp trong tỉnh, chắc hẳn nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí địa phương cũng không khỏi trăn trở, đau đầu vì phải tiếp nhận những suất biên chế là con em lãnh đạo ở địa phương. Nhất là khi những suất biên chế đó chỉ nhằm mục đích “giữ chỗ” nhiều hơn là làm việc, cống hiến hết mình cho nghề báo vốn nhọc nhằn, vất vả. 
Nghề “phu chữ” 
Đến nay, cả nước có 36.000 người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí ở gần 850 cơ quan báo chí, trong đó có 18.000 người được cấp Thẻ nhà báo. Trong số đó, không biết có tỉ lệ bao nhiêu phần trăm thuộc thành phần “con ông cháu cha”? Nhưng có một sự thật mà những người cầm bút chân chính trong làng báo Việt Nam đều biết, đó là thẻ nhà báo thì nhiều, nhưng những nhà báo giỏi thật sự thì ít. 
Điều này thể hiện tương đối rõ ở các cơ quan báo chí hiện nay. Tỷ lệ những cây viết “quyền uy”, xuất sắc, những nhà báo lành nghề có khả năng “tác chiến” thành công mọi nơi mọi lúc lại thường chỉ chiếm số nhỏ. 
Toàn ‘con ông nọ cháu bà kia’, đuổi thế nào mà đuổi

Toàn ‘con ông nọ cháu bà kia’, đuổi thế nào mà đuổi

Sa thải một nhân viên được “gửi gắm” không đơn giản chỉ là làm mếch lòng người gửi gắm và mọi chuyện dừng lại ở đó.    
Nghề báo, như nhiều người trong nghề đã đúc rút, là nghề “phu chữ”, nghề “lao tâm khổ tứ”, chứ không phải hào nhoáng kiểu công du nay đây mai đó, cưỡi ngựa xem hoa, an nhàn, sung túc, dễ có thu nhập cao… như một số người hình dung. Phía sau mỗi con chữ, bài viết, bức ảnh, khuôn hình, thước phim hoàn thiện được đăng tải trên báo, phát sóng trên phát thanh, truyền hình là thấm đẫm biết bao mồ hôi, và đôi khi cả nước mắt đắng cay của người trong cuộc. 
Vậy nên, nếu ai đó thấy rõ bản thân hay con em mình không hội tụ đầy đủ những điều kiện cần thiết để dấn thân, làm việc trong một môi trường đòi hỏi tính chuyên nghiệp, sáng tạo và cạnh tranh như lĩnh vực báo chí, thì đừng cố theo đuổi nghề nghiệp này. Bởi như thế vừa làm chính mình mệt mỏi, vừa lấy mất chỗ của những người thực sự phù hợp và yêu nghề hơn! 
Thiện Văn

Chứng kiến cháu đi học, tôi ngạc nhiên không ngừng

Chứng kiến cháu đi học, tôi ngạc nhiên không ngừng

Càng tìm hiểu cái sự học hành ở Đức tôi càng thấy nhiều điều ngạc nhiên đáng nể.
Lễ khai giảng “bình thường”
Tôi may mắn được dự 2 lần khai giảng của 2 cháu nội sinh đôi của tôi ở Đức. Lần đầu vào năm 2014 khi các cháu vào lớp 1 tiểu học và lần hai này là khi các cháu vào lớp 5, lớp mở đầu của trường trung học. Cả hai lần đều là trường công lập và đều để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi.
Mỗi học sinh lớp 1 đều có rất nhiều người “ăn theo” từ bố mẹ, ông bà đến cô chú… Đông người nhưng trật tự. Quang cảnh nhà trường bình thường như mọi ngày. Không cờ, không hoa, cũng không có khẩu hiệu, băng rôn. Cái làm nên sự khác biệt ngày khai giảng nhập học lớp 1 chính là bản thân các cháu sắp đi học. Quần áo đẹp, trên tay có túi quà rất đặc trưng theo truyền thống Đức vào lớp 1 được từng gia đình chuẩn bị từ trước cùng đám đông gia đình đi theo.
Và lần này khi các cháu tôi vào lớp 5, tức lớp đầu của trung học, thì cũng vậy. Nhập học đơn giản, cũng không trang trí phông màn, cờ hoa gì. Thậm chí không có cả phát biểu khai giảng long trọng của lãnh đạo nhà trường. Cái để lại trong lòng học sinh nhập học và phụ huynh chính là màn biểu diễn nghệ thuật khá đặc sắc và công phu của các cháu lớp 5 khóa trước chào đón các cháu lớp 5 khóa mới.
Thông điệp đơn giản mà sâu sắc: Cứ học đi sẽ như bọn anh chị và sang năm nhớ đón các em lớp 5 mới cho tốt nhé! Thày cô giáo ăn mặc bình thường như mọi ngày, quần bò, áo phông. Tiếp đó là chia lớp và các cháu theo thày cô phụ trách về lớp. Lễ nhập học kết thúc. 
Chứng kiến cháu đi học, tôi ngạc nhiên không ngừng
Hình ảnh trong một lớp học tại Đức.
Học trò đa sắc tộc
Bây giờ đến các nước như Đức, Pháp, Italia… dễ dàng nhận ra đó là những quốc gia đa sắc tộc. Cách đây mươi năm tôi được chuyên gia Đức cho biết nếu với mức sinh con của người Đức như hiện tại thì đến năm 2060 nước Đức sẽ giảm từ trên 80 triệu xuống chỉ còn cỡ 60 triệu dân, nên cần có nhiều biện pháp để ứng phó câu chuyện này, mà một trong số đó là đẩy mạnh nhập cư có chọn lọc nhằm gia tăng dân số và lực lượng lao động có chất lượng cao.
Không biết bây giờ dự báo đó còn chính xác không, nhưng nhìn vào các cháu dự lễ nhập học đầu năm thì thấy đúng là học trò đa sắc tộc. Lớp 1 hai cháu tôi vào cách đây 4 năm có lẽ tỷ lệ học sinh gốc Đức khoảng 50%. Lớp 5 năm nay tỷ lệ này may ra được 30%. Đủ các sắc màu ngoài Đức như Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Nga, Việt Nam, Trung Quốc…
Trường sở: từ đơn giản đến ấn tượng
Trường tiểu học các cháu tôi theo học khá đơn giản, chỉ là một khối nhà 3 tầng, kể cả hành chính, sân trường và phòng thể thao. Nhìn bề ngoài thì cũ kỹ, nhưng vào trong thì phòng ốc ngon lành, trang thiết bị phục vụ học hành khá tốt.
Đến trường trung học thì quả là khác biệt. Trường này có tên riêng là Trường Trung học cổ Bremen, có lịch sử lâu đời, được thành lập năm 1528. Cơ sở vật chất của trường thật đáng nể, thậm chí lớn hơn, to hơn một trường đại học tư ở ta về diện tích và các tòa nhà sử dụng.
Tương ứng với quy mô trường sở là quy mô lớp học. Lớp 1 mỗi lớp khoảng 20 – 23 học sinh. Lớp 5 các cháu tôi khoảng 28 – 30 học sinh.
Không thu học phí…
Các cháu tôi đi học không mất tiền vì Đức thực thi chính sách không học phí tại trường công lập từ mẫu giáo đến đại học từ nhiều năm nay. Một chính sách thể hiện rõ sự chăm lo, quan tâm của nhà nước đến sự học hành của con người. Số liệu thống kê cho thấy khoảng 9% học sinh tiểu học và trung học tại Đức học tại trường tư. Đương nhiên học trường tư thì phải đóng học phí khác hẳn trường công là miễn phí.
Thỉnh thoảng ở Đức lại rộ lên câu chuyện phải thu học phí tại các trường đại học công lập, tuy nhiên Nghị viện Đức không thông qua, mà cuối cùng chỉ ra một nghị quyết theo hướng tùy các Bang trong Liên Bang có thể ra chính sách thu học phí khiêm tốn tại đại học bang mình. Trên thực tế hiện có một khoản sinh viên phải nộp được gọi là “đóng góp học kỳ” tương đương khoảng 3 - 10 triệu đồng tại các trường đại học công lập một số Bang của Đức.
Và sách giáo khoa miễn phí
Càng tìm hiểu cái sự học hành ở Đức tôi càng thấy nhiều điều ngạc nhiên đáng nể. Một trong những cái ngạc nhiên đó là sách giáo khoa. Hôm rồi xem bài vở học tiếng Anh của hai cháu nội, rồi đối chiếu với sách dạy tiếng Anh mới phát hiện ra mình thường tư duy theo kiểu nước ta thế này, nước ta thế kia, nên luôn nghĩ đã là sách giáo khoa thì đầu năm học bố mẹ học sinh phải tự mua cho con mình.
Hóa ra không phải. Các cháu đều được nhà trường cho mượn sách, không mất tiền nong gì cả. Cuốn sách tiếng Anh của một trong hai cháu tôi được cho mượn lần đầu vào năm 2010. Trang đầu tiên có in một bảng biểu đơn giản, theo đó là tên học sinh mượn, lớp năm mấy, ngày tháng mượn, ngày tháng trả lại. Đến cháu tôi là năm thứ 8 cuốn sách được tiếp tục sử dụng. Thật đáng nể.
Nể ở chỗ bố mẹ các cháu học sinh hàng năm không phải bỏ một khoản tiền lớn mua SGK cho con mình. Nể tiếp theo là tính bền vững về chất lượng sách giáo khoa, cụ thể trong ví dụ này là 8 năm không thay đổi sách. Nể cuối cùng là qua đó giáo dục cho học sinh ý thức bảo quản, sử dụng sách để sang năm lại có người khác sử dụng. Trang đầu mỗi cuốn SGK cho học sinh mượn đều có in mấy dòng chữ nói rõ sách là tài sản của trường, học sinh mượn sách có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản và chịu trách nhiệm bồi thường khi làm mất, làm hư hỏng.
Khi thấy tôi khen câu chuyện mượn sách miễn phí thì con dâu tôi kể luôn là con trai của bạn mình vừa rồi quên đến trường làm thủ tục mượn sách giáo khoa đầu năm học, nên sau đó gia đình phải tự bỏ tiền ra mua sách cho con mình quy đổi ra là quãng hơn chục triệu đồng. Đã không thu học phí, giờ sách giáo khoa lại mượn miễn phí nữa thì quả là tốt cho các gia đình có con đi học.
Đinh Duy Hòa

GS. Tom Patterson: "McCain đã học từ người Việt Nam về lòng vị tha"

GS. Tom Patterson: "McCain đã học từ người Việt Nam về lòng vị tha"

John McCain là hiện thân của những gì người ta hy vọng ở một chính trị gia, nhưng hiếm có. Ông là người đã đặt nguyên tắc lên trên lòng trung thành với đảng phái, và đặt lợi ích công lên trên lợi ích cá nhân.
Năm ngoái, John McCain đã được nhận Huân chương Tự do của Trung tâm Hiến pháp Quốc gia vì cam kết với các ý tưởng cao cả. Trước ông, chỉ có hai người được nhận Huân chương này là Nelson Mandela và Đạt lai Lạt ma. Những gì McCain từng nói là chỉ dẫn về con người ông và phẩm cách lãnh đạo của ông.
GS. Tom Patterson: 'McCain đã học từ người Việt Nam về lòng vị tha'
Thượng nghị sĩ Edward Kennedy, Joe Lieberman và John McCain nói chuyện tại Washington năm 2008. Ảnh: Reuters.
McCain nói rằng những người “từ bỏ các lý tưởng của mình” và đặt chúng ta chống lại người khác “là không yêu nước”. “Chúng ta là những người trông coi các ý tưởng đó”. Ông kết luận: “Tôi đã được truyền cảm hứng bởi việc phục vụ những người yêu nước giỏi hơn tôi. Tôi đã thấy nhiều người Mỹ hy sinh cho đất nước mình và các sự nghiệp của đất nước, cho những người có còn xa lạ với họ nhưng vì nhân loại chung, những sự hy sinh còn khó khăn hơn là sự phục vụ mà tôi được yêu cầu. Tôi đã thấy việc tốt mà họ làm, những tính mạng mà họ giải phóng khỏi sự độc tài và bất công, niềm hy vọng mà họ thắp nên, và những giấc mơ mà họ đã biến thành hiện thực”.
Nói theo một cách nào đó, McCain không hẳn là một người bảo vệ nhân loại thông thường. Ông là con trai của một đô đốc Hải quân Mỹ và máy bay của ông bị bắn hạ khi đang thực hiện đánh bom trên bầu trời Hà Nội.Sau đó ông đã bị giam giữ một vài năm.
Sự việc khiến ta hiểu sâu hơn về con người này bắt đầu khi Việt Nam đồng ý trả tự do cho ông nhờ vị thế của cha. McCain đã nói rằng ông sẽ vẫn ở lại nếu các phi công người Mỹ khác cùng tham chiến vẫn chưa được thả.
Khi chiến tranh kết thúc, ông được trả về Mỹ, McCain đã không dùng sự cay đắng để đáp trả thời gian bị cầm tù, mà đáp lại bằng một quyết tâm giải quyết nguyên nhân chia rẽ giữa Việt Nam và Mỹ dẫn tới chiến tranh. Cùng với người bạn thượng nghị sĩ và cũng là một cựu binh trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam John Kerry, McCain đã làm nhiều hơn bất kỳ người Mỹ nào có thể làm để thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
GS. Tom Patterson: 'McCain đã học từ người Việt Nam về lòng vị tha'
Năm 1996, McCain (thứ ba từ trái sang) đến Việt Nam và gặp lại ông Mai Văn Ổn, một trong những người đã cứu ông từ hồ Trúc Bạch khi McCain phải nhảy dù xuống đây năm 1967. Ảnh: AP.
McCain không mắc nhiều lỗi trong sự nghiệp của mình, nhưng ông đã nhận trách nhiệm về các lỗi mình gây ra. Ông trở lại để chứng kiến và nói rằng cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam là sai lầm. Và ông công khai thể hiện sự hối tiếc vì đã bỏ phiếu cho cuộc xâm lược của Mỹ tại Iraq vào năm 2003. Một trong những ví dụ rõ nhất về việc ông tuân thủ nguyên tắc là trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2008. Ông đối đầu với ứng cử viên Barack Obama, người mà rất nhiều người trong đảng của ông cho là có âm mưu Hồi giáo nhằm hủy hoại nước Mỹ từ bên trong. Khi được hỏi một câu về tác động đó trong chiến dịch tranh cử, McCain đã ngay lập tức phản đối, và khẳng định rằng Obama là một người Mỹ nghiêm túc và tận tâm.
McCain là một người Cộng hòa và hầu hết các quan điểm chính trị của ông đều phù hợp với quan điểm của đảng Cộng hòa. Nhưng ông nhất quyết không để cho lòng trung thành với đảng phái đó ảnh hưởng tới quyết định của mình về cách chính trực nhất để làm chính trị.
Trong đảng, ông là người chỉ trích công khai nhất Tổng thống Donald Trump về thái độ không thèm đếm xỉa đến truyền thống và thiếu tôn trọng các thể chế và luật pháp. McCain không ngừng chỉ trích Tổng thống Trump vì đã không đi đầu thế giới trong sự nghiệp tự do. McCain nói: “Từ bỏ các lý tưởng mà chúng ta đã thúc đẩy trên khắp địa cầu, từ bỏ các nghĩa vụ của một người lãnh đạo thế giới và nghĩa vụ của chúng ta phải duy trì ‘niềm hy vọng tốt nhất cuối cùng của trái đất’ chỉ vì chủ nghĩa dân tộc giả mạo và nửa vời… là không yêu nước, giống như gắn với bất kỳ giáo điều nào khác trong quá khứ”.
John McCain ra đi, nước Mỹ đã mất đi một người lãnh đạo vĩ đạo, và Việt Nam mất đi một người bạn thực sự. McCain đã học từ người Việt Nam về lòng vị tha, về nhân loại của chúng ta, về thảm kịch có thể xảy ra khi các nước mạnh tìm cách dọa nạt những nước nhỏ hơn. Các chuyến thăm lại Việt Nam của ông là một sự chuộc tội vì ông đã giúp kéo hai nước cựu thù xích lại gần nhau hơn. Ông nói: “Không gì trong cuộc sống làm cho mình tự do hơn là chiến đấu vì một sự nghiệp lớn hơn chính mình, cái vây quanh bạn, nhưng không được quyết định bởi mỗi sự tồn tại của bạn”.
Tom Patterson, GS Chính phủ và báo chí trường ĐH Harvard, thành viên Hội đồng quản trị Viện Michael Dukakis

Những kỷ niệm với TNS John McCain

Những kỷ niệm với TNS John McCain

Một trong những kỷ niệm cuối cùng mà tôi có được với ông trong nhiệm kỳ tham tán của mình là cuốn sách “Worth the fighting for” – do TNS McCain viết chung với Mark Salter.
LTS – Trong thời gian làm việc ở Trung tâm Báo chí Nước ngoài, Phòng Phiên dịch (BNG) và Tham tán Chính trị Đại Sứ quán Việt Nam tại Mỹ, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO (BNG) Vũ Bình có nhiều cơ hội được tiếp xúc với cố TNS John McCain. Dưới đây là vài kỷ niệm của ông.
Những kỷ niệm với TNS John McCain
Đại sứ Vũ Bình đứng bìa trái cùng TNS John Mc Cain và các quan chức ngoại giao và thương mại Việt Nam.
Tôi gặp ông John McCain lần đầu tiên là vào năm 1985, khi ông vào Việt Nam lần đầu tiên kể từ sau khi được trao trả tù binh năm 1973 theo một chương trình của Hãng truyền hình Mỹ CBS News với sự sắp xếp của Trung tâm báo chí (BNG).
Chương trình do cố phóng viên nổi tiếng Walter Cronkite trực tiếp làm bình luận viên. Một mục đích không công bố của ông McCain trong chuyến đi này là  thúc đẩy việc giải quyết vấn đề tìm kiếm Người Mỹ mất tích và Tù binh chiến tranh (MIA/POW), một vấn đề Quốc hội Mỹ cực kỳ quan tâm và coi đó là điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Trước đó, đầu những năm ’80 có Hạ nghị sĩ Montgomery vào Việt Nam cũng vì mục đích này.
Ông McCain là người hết sức nổi tiếng vì xuất thân trong gia đình danh giá, cả ông và cha đều là Đô đốc Hải quân. Ông McCain tốt nghiệp Học viện Hải quân và trở thành phi công của Hải quân. Sau khi bị bắn rơi và trở thành tù binh năm 1967, việc trao trả ông đã không ít lần được hai bên tính đến trong quá trình tiếp xúc, trao đổi, trước khi có Hiệp định Paris. Chính vì vậy, chuyến đi đầu tiên của ông sang Việt Nam thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí Mỹ và thế giới. CBS News giành được quyền thực hiện chương trình riêng này với John McCain là nhờ có Walter Kronkite trực tiếp tham gia.
Lần đó, tôi được Trung tâm Báo chí nước Ngoài cử giúp anh Nguyễn Quang Dy trong công tác sắp xếp chương trình, hướng dẫn và phiên dịch cho đoàn. Tôi ấn tượng khi cùng HNS John McCain và nhóm phóng viên CBS News tới xem xác B52 ở Vườn Bách Thảo và tham quan Hồ Trúc Bạch, nơi phi công McCain bị bắn rơi. Tôi nhận thấy HNS McCain hết sức tâm trạng. Nói chuyện với các nhà báo Mỹ về quan hệ Mỹ - Việt, ông nói “đã đến lúc phải tính đến chuyện thay đổi quan hệ giữa hai nước”.  
Với tư cách hướng dẫn viên báo chí, sau lần đó tôi có nhiều dịp được  diện kiến ông McCain khi ông thăm Việt Nam. Từ năm 1986 ông trở thành Thượng nghị sĩ và sau đó liên tục giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Thượng viện như Chủ tịch Ủy ban Thương mại, Chủ tịch Ủy ban Quân lực của Thượng viện Mỹ.  Mỗi lần ông vào Việt Nam luôn có phóng viên Mỹ đi đưa tin. 
Năm 1999-2000, TNS John McCain lần đầu tiên ra ứng cử Tổng thống Mỹ; đối thủ của ông trong Đảng Cộng hòa là Geoger W. Bush (con). Đầu năm 2000, mặc dù trong chiến dịch vận động tranh cử, TNS McCain đã sang Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 25 năm chấm dứt chiến tranh. Trong chuyến đi này, ông McCain phát biểu trước báo giới Mỹ tại Hanoi Hilton (Hỏa Lò) và tại TP HCM. Trong cả hai lần, ông tỏ ra bất mãn với thời gian ông bị giam cầm, có những lời không mấy tốt đẹp với những người giam giữ ông.
Chúng ta đã có phát ngôn đáp lại. Lúc đó tôi chuyển về Phòng Phiên dịch và chịu trách nhiệm dịch lời phát ngôn ấy sang tiếng Anh. Vì tiếp xúc với ông McCain nhiều lần, tôi nghĩ trong bản thân ông có cuộc đấu tranh giữa tình cảm thể hiện sự bất mãn cá nhân và lý trí thể hiện tầm nhìn muốn cải thiện quan hệ giữa hai nước, nên tôi quyết định dịch hai bản khác nhau.
Ở bản đầu, lời lẽ tiếng Anh khá đối xứng với cách dùng từ trong bản tiếng Việt. Bản thứ hai, tôi sử dụng khá nhiều từ đồng nghĩa, với sắc thái nhẹ nhàng hơn nhiều mặc dù vẫn thể hiện rõ thái độ của chúng ta không đồng tình với thái độ của ông với người Việt Nam và đất nước Việt Nam, cũng như sự sai lệch của ông khi nhìn nhận về lịch sử cuộc chiến. Lúc đó, tôi nghĩ “bát nước đã đổ đi rất khó gạn lại”.
Những kỷ niệm với TNS John McCain
Quyển Hồi ký do TNS Mc Cain ký tặng ĐS Vũ Bình.
Tôi báo cáo cả hai bản dịch cho Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao. Sau khi đọc rất kỹ hai bản dịch, vị quan chức này quyết định chọn phương án 2. 
Sau này, khi sang làm tham tán chính trị, tôi thường xuyên tiếp xúc, làm việc với văn phòng TNS John McCain. Khi quan hệ đã khá gần, tôi có giải thích với họ rằng, đôi khi trong chiến tranh rất khó thực hiện những điều mà chính sách lúc đó không cho phép để nói về giai đoạn ông McCain ở “khách sạn Hilton”. 
Chẳng hạn, tôi tin Mỹ không có ý định ném bom những nơi thờ tự hay bệnh viện, nhưng thực tế Bệnh viện Bạch Mai và nhiều chùa chiền, nhà thờ đã bị bom dập tan hoang. Còn chính sách nhất quán của Việt Nam là không tra tấn tù binh, nhưng chẳng may hôm hỏi cung người hỏi cung vừa được báo tin cả nhà bị trúng bom và chết hết, trong trường hợp đó, anh ta cũng khó lòng che dấu cảm xúc đau thương, và biểu hiện ra hành động. Tôi nghĩ họ có nói lại với TNS McCain, bởi vì sau đó không thấy ông nhắc tới kỷ niệm đáng buồn đó nữa.
Ông McCain có rất nhiều đóng góp trong quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt, và thúc đẩy mối quan hệ này sau khi bình thường hóa, đặc biệt là việc thông qua Hiệp định Thương mại Song phương - một văn kiện mà ngày nay ta càng thấy ý nghĩa quan trọng.
Một trong những kỷ niệm cuối cùng mà tôi có được với ông trong nhiệm kỳ tham tán của mình là cuốn sách “Worth the fighting for” – do TNS McCain viết chung với Mark Salter, CVP của ông. Trong cuốn sách có một chương nói về quá trình cải thiện quan hệ Mỹ - Việt, trong đó đánh giá rất cao những đóng góp của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và Thứ trưởng Lê Mai – những đại sư phụ trong nghề ngoại giao.
Tôi nói với Văn phòng của TNS McCain rằng tôi đã đọc cuốn sách này và muốn được ông đề tặng. Và đây là cuốn sách tôi đã được TNS McCain tặng (mở cho xem). Đó là một trong những kỷ vật rất đáng nhớ trong nghề ngoại giao của tôi.
Huỳnh Phan (ghi) 

Từ nay làng lại có tên

Từ nay làng lại có tên

Việc ngỡ không có gì to tát lại có thể hoá thành đại sự vì nó động chạm tới miền ký ức sâu thẳm từ mỗi làng quê, của mỗi con người gắn với làng quê đó. 
Mấy tháng trước, tôi về quê. Ngồi trà nước với mấy vị cán bộ xã mới hay làng quê đang râm ran: Sáp nhập thôn và đặt lại tên thôn.
Tôi khấp khởi mừng.
Xã tôi có hai làng: Đồn Điền và Hà Đông. Tên làng Đồn Điền khai sinh từ hơn 500 năm trước. Thời đó, vâng mệnh triều đình, các vị Doanh điền sứ về vùng đất ven biển phía nam tỉnh Thanh chiêu mộ dân binh khai khẩn đất hoang lập làng, thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”. Làng tôi bây giờ chính là nơi các vị Doanh điền sứ, trong đó có Doanh điền Phó sứ Uông Ngọc Châu và Tô Văn Bảo, tức Tô Chính Đạo đặt đại bản doanh. Tên làng Đồn Điền từ đó mà thành. Ở tỉnh Thanh, cái tên làng Đồn Điền là độc nhất vô nhị, gợi lại lịch sử vùng đất một thời thường xuyên giặc giã từ biển vào và chính sách điền địa gắn với bố phòng miền duyên hải đầy kiên trì sáng tạo thời Lê.
Dưới thời chính thể Việt Nam dân chủ cộng hoà, làng chia thành các xóm Điền Thượng, Điền Nam, Vượng Hải. Vượng Hải là tên chữ, tên nôm na thường gọi là Ngõ Trại. Ngõ Trại có bàu nước tự nhiên, quê tôi gọi là xối, quanh năm ăm ắp nước ngọt. Có lẽ hơn 500 năm trước, các vị Doanh điền sứ khi về xứ lạ, một bên là biển mặn, một bên là cát trắng, đã chọn nơi có xối nước ngọt dựng trại chiêu mộ dân binh, cái tên Ngõ Trại ra đời từ ấy chăng?
Khi rộn ràng phong trào hợp tác hoá, có hợp tác xã Thượng Ngư, Nam Ngư, Vượng Hải. Ngày ấy xã viên được Nhà nước cấp từ cây luồng tấm lưới, được ăn gạo “sổ”, nhưng phần lớn hải sản đánh bắt được giao nộp cho Nhà nước, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Hợp tác xã thời ấy không chỉ điều hành sản xuất mà còn quản lý hành chính, rất toàn diện và uy lực hơn cả cấp thôn ngày nay.
Rồi xóa bao cấp, hợp tác xã tan rã. Không biết từ khi nào, tên xóm, tên làng bị xếp vào cái góc quên lãng. Tên xóm mất hẳn, tên làng ít khi được nhắc tới. Xóm được chia nhỏ. Tên xóm từ cách gọi gợi nhớ tên làng, gợi nhớ lịch sử, văn hoá vùng đất mấy trăm năm bỗng chuyển hoá thành thôn với những con số 1, 2, 3, 4...Cả xã có tới 10 thôn, mỗi thôn được định danh bằng một con số. Tôi liên tưởng, chẳng khác mấy so với cách đặt tên đội sản xuất nông trường, nông trang, công xã xa lắc đâu đó hoặc cách đặt tên trong lực lượng vũ trang, chỉ được cái ngắn gọn, tiện lợi mà mặc định, vô hồn, xoá nhoà chỉ dấu đường về quá khứ. Nhiều lần về quê, tôi cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ không biết xóm cũ nhà mình giờ mang con số nào... 
Từ nay làng lại có tên
Làng Đồn Điền ngày nay. Ảnh: Dân trí
Giờ thì khấp khởi mừng. Trong tương lai rất gần, từ 10 thôn, nhập lại còn 4, vừa khớp với cái tên Điền Thượng, Điền Nam, Vượng Hải thuộc làng Đồn Điền và tên làng Hà Đông. Tên thôn gợi tên làng, gợi nhớ một thời, ranh giới địa giới tương đối rành rẽ. Qui mô dân số đông hơn dễ bề huy động sức dân mà lại “tiết kiệm” cán bộ. Mỗi thôn vốn có tới gần chục cán bộ bán chuyên trách, giờ, chủ trương mới, chỉ còn 3. Từ 10 thôn nhập lại còn 4, tính ra, số cán bộ giảm rất đáng kể.
Một thôn, một xã đã như thế, suy rộng ra một huyện, một tỉnh, sẽ là một con số đáng kể. Suy rộng ra cả nước với gần 137 nghìn thôn, tổ dân số; 11.162 xã, phường, thị trấn...sẽ là một con số khổng lồ. Tỉnh Thanh Hoá có 5.971 đơn vị thôn, tổ dân phố. Tới đây sáp nhập, chỉ còn hơn 4.300 thôn, tổ dân phố. Tính riêng về cán bộ bán chuyên trách hưởng lương từ ngân sách, giảm tới gần 10.000 người. Đúng là một con số biết nói từ một chủ trương lớn chẳng khác một cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng cơ cấu lại mô hình từ cấp cơ sở, tinh giảm bộ máy vốn cốt cho đủ mâm đủ bát mà kém hiệu quả. Cuộc cách mạng trả lại tên cho mỗi thôn, mỗi làng...
Trở lại với tên thôn tên làng.
Hôm về mấy xã tỉnh Thanh, tôi cũng nghe cán bộ các xã này nói về chuyện nhập thôn, đặt lại tên thôn theo tên làng truyền thống.
Đã thấy không khí dân chủ trong cái cách bàn bạc, tranh luận, rất tâm huyết, không kém phần máu lửa. Nơi lấy lại tên nôm, nơi phục hồi tên chữ. Không hiếm nơi tranh cãi chọn tên xóm này hay tên xóm kia để đặt tên cho thôn mới. Như ở xã nọ có xóm Cẩm Bào và Cẩm Phúc. Xóm Cẩm Bào vốn lâu đời. Cẩm Phúc hình thành mấy chục năm lại đây. Giờ hai xóm nhập thành một thôn, biết chọn tên nào? Ghép hai chữ Phúc, Bào thành thôn Phúc Bào hay chỉ giữ lại một chữ Cẩm, thành thôn Cẩm?
Việc ngỡ không có gì to tát, lại hóa thành đại sự vì nó động chạm tới miền ký ức sâu thẳm từ mỗi làng quê, của mỗi con người gắn bó với làng quê đó. Tên thôn, tên làng gợi mở quá khứ, chỉ dấu đường về văn hoá truyền thống, lưu giữ niềm tự hào của mỗi thành viên trong cộng đồng làng xã. Xử lý theo lối áp đặt, mệnh lệnh hành chính hoặc thiếu tinh tế sẽ khiến những giá trị thực chất bị chôn vùi, khuất lấp, để rồi những cái tên thôn tên làng mặc định, vô hồn có cơ xuất hiện.
Lại nhớ, có những tên buôn tên làng từng gắn với cộng đồng người Ê đê, Ba na, Jơ rai nhiều đời, mỗi cái tên chứa đựng cả một truyền thuyết, bỗng một ngày đẹp trời, những cái tên ấy biến mất, thay vào đó là những cái tên Chiến Thắng, Thành Công, Đoàn Kết... nghe cứ choang choang mà chẳng chút ăn nhập với không gian văn hoá tộc người vùng Tây Nguyên. Trong muôn vàn cách hủy hoại văn hoá truyền thống, thì cái cách xáo trộn các cộng đồng dân cư thôn, xóm, làng, bản kiểu như xóc con bài và thay tên làng tên bản cho ra vẻ hiện đại, là cách nguy hại nhất!
Cái việc nhập, thu gọn và tinh giảm bộ máy đồng thời đặt lại tên thôn cho hợp với văn hoá truyền thống làng xã Việt Nam nằm trong chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ: Sắp xếp tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính, từ cấp cơ sở... Chủ trương này không ngờ lại tạo hiệu ứng về văn hoá có chiều sâu đến thế, khi nó tác động, khơi mạch nguồn làng xã từ trăm năm, nghìn năm trước. Mà cái mạch nguồn này từng nghẽn tắc cũng từ một chủ trương đơn giản đến lạnh lùng trước đó.
Hôm trò chuyện với các vị cán bộ một xã thuộc tỉnh Thanh, có vị nhắc một câu khiến tôi gai cả người: Nước có thể mất nhưng làng thì mãi trường tồn.
Mà làng hay thôn, bắt đầu từ những cái tên.
Uông Ngọc Dậu

Náo nức vì U23 Việt Nam, nhưng bóng đá là… bóng đá thôi

Náo nức vì U23 Việt Nam, nhưng bóng đá là… bóng đá thôi

Tôi tôn trọng niềm vui và cách thể hiện niềm vui của mọi người, nhưng nếu bạn hỏi “có xuống đường không?” tôi sẽ lắc đầu. 
Tôi không thuộc diện người mê bóng đá cuồng nhiệt, nhưng rất quan tâm đến những trận cầu quốc tế có đội Việt Nam. Mỗi lần như thế là một dịp để thấy rất rõ lòng tự hào về màu cờ sắc áo nổi lên trong chính mình, một dịp để mọi người biểu dương, thể hiện tình yêu đối với Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay. Nhưng tình yêu nào cũng vậy cần phải bằng cả con tim - khối óc. Và bóng đá chỉ là bóng đá thôi.
Không phải bóng đá được nhất nhì là Việt Nam nhất nhì ASIAD, cứ nhìn bảng huy chương thì sẽ rõ. Vào đến tứ kết đã là một kỳ tích với bóng đá Việt Nam, nếu đi sâu được nữa (và ai cũng mong muốn thế) thì càng quý giá hơn. Nhưng không phải thế mà cho rằng Việt Nam đã mang đẳng cấp quốc tế, vận nước đã sáng rồi, “bình minh chiếu khắp nơi”. Bóng đá không phải là vận nước. Đội tuyển Syria có kém gì Việt Nam, nhưng đất nước ấy gần chục năm nay nội chiến triền miên. Theo Tổ chức nhân quyền quốc tế, từ 2015 đến tháng 7/2017 có khoảng 331.765 đến 475.000 người thiệt mạng, 4,9 triệu người Syria đã phải đi tị nạn khắp Châu Âu.
Tôi là người rất thất vọng về cách chỉ đạo về thương thuyết bản quyền truyền hình trực tiếp ASIAD 2018. Tôi cũng là người vui vì thấy VOV đã khôn ngoan và cố gắng để khắc phục lỗi này, nhưng không đánh giá cao, vì đó là nhiệm vụ chính trị của chính VOV, một trong vài cơ quan đứng đầu về truyền thông quốc gia. Tôi không phê phán, “mắng mỏ” VTV, mà chỉ tiếc cho họ đã bỏ mất một cơ hội hiếm hoi để khẳng định mình, lại làm giảm niềm tin và tình yêu của công chúng với VTV. Không nên chỉ qua một việc mà đề cao hoặc hạ thấp cá nhân hay tập thể nào đó… Cuộc sống còn nhiều điều đáng nói lắm, bóng đá chỉ là bóng đá thôi. 
Náo nức vì U23 Việt Nam, nhưng bóng đá là… bóng đá thôi
Người dân Hà Nội đổ ra đường ăn mừng sau trận thắng 1-0 của U23 Việt Nam trước Syria. Ảnh: Trần Thường
Tôi cũng sung sướng, hò reo, vỗ tay và rưng rưng nước mắt mỗi khi nhìn thấy đội tuyển Việt Nam chiến thắng, cũng hồi hộp nín thở mỗi khi gặp tình huống đội nhà lâm nguy; cũng náo nức và cay cay nơi sống mũi khi nhìn thấy biển người ngập trong cờ hoa rực rỡ mỗi lần đội tuyển Việt Nam thắng lợi… Tôi tôn trọng niềm vui và cách thể hiện niềm vui của mọi người, nhưng nếu bạn hỏi “có xuống đường không?” tôi sẽ lắc đầu. Tôi càng không muốn nhìn thấy cứ sau mỗi lần như thế, hàng trăm con người lại lũ lượt vào bệnh viện, nhiều người mãi không trở lại hoặc tàn phế suốt đời do tai nạn giao thông. Tôi sẽ ngồi nhâm nhi ly cà phê và nghĩ về chiến thắng, không thể cởi áo, cởi quần, vứt cả nội y “khoe hàng” nơi công cộng, nhảy sexy và miệng hát vang “tự hào quá Việt Nam ơi”… Không thể coi đó là thể hiện tình yêu Tổ quốc. Bóng đá chỉ là bóng đá thôi mà.
Nếu trận chiều nay đội Việt Nam thắng, đương nhiên là cả nước “vỡ tung”. Và tôi cũng vỡ òa theo cách của mình. Nhưng nếu thua thì cũng chỉ buồn thôi, đừng vì thế mà đổ lỗi, truy tìm lý do và kết tội… Bóng đá là một cuộc chơi có phần may rủi, trận bán kết chỉ có một bên thắng. Ai ra sân mà lại muốn thua? Mà thiên hạ thì thiếu gì người tài, đâu chỉ có Việt Nam… Ngoài trời còn có trời đấy.