Thursday, August 30, 2018

Từ nay làng lại có tên

Từ nay làng lại có tên

Việc ngỡ không có gì to tát lại có thể hoá thành đại sự vì nó động chạm tới miền ký ức sâu thẳm từ mỗi làng quê, của mỗi con người gắn với làng quê đó. 
Mấy tháng trước, tôi về quê. Ngồi trà nước với mấy vị cán bộ xã mới hay làng quê đang râm ran: Sáp nhập thôn và đặt lại tên thôn.
Tôi khấp khởi mừng.
Xã tôi có hai làng: Đồn Điền và Hà Đông. Tên làng Đồn Điền khai sinh từ hơn 500 năm trước. Thời đó, vâng mệnh triều đình, các vị Doanh điền sứ về vùng đất ven biển phía nam tỉnh Thanh chiêu mộ dân binh khai khẩn đất hoang lập làng, thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”. Làng tôi bây giờ chính là nơi các vị Doanh điền sứ, trong đó có Doanh điền Phó sứ Uông Ngọc Châu và Tô Văn Bảo, tức Tô Chính Đạo đặt đại bản doanh. Tên làng Đồn Điền từ đó mà thành. Ở tỉnh Thanh, cái tên làng Đồn Điền là độc nhất vô nhị, gợi lại lịch sử vùng đất một thời thường xuyên giặc giã từ biển vào và chính sách điền địa gắn với bố phòng miền duyên hải đầy kiên trì sáng tạo thời Lê.
Dưới thời chính thể Việt Nam dân chủ cộng hoà, làng chia thành các xóm Điền Thượng, Điền Nam, Vượng Hải. Vượng Hải là tên chữ, tên nôm na thường gọi là Ngõ Trại. Ngõ Trại có bàu nước tự nhiên, quê tôi gọi là xối, quanh năm ăm ắp nước ngọt. Có lẽ hơn 500 năm trước, các vị Doanh điền sứ khi về xứ lạ, một bên là biển mặn, một bên là cát trắng, đã chọn nơi có xối nước ngọt dựng trại chiêu mộ dân binh, cái tên Ngõ Trại ra đời từ ấy chăng?
Khi rộn ràng phong trào hợp tác hoá, có hợp tác xã Thượng Ngư, Nam Ngư, Vượng Hải. Ngày ấy xã viên được Nhà nước cấp từ cây luồng tấm lưới, được ăn gạo “sổ”, nhưng phần lớn hải sản đánh bắt được giao nộp cho Nhà nước, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Hợp tác xã thời ấy không chỉ điều hành sản xuất mà còn quản lý hành chính, rất toàn diện và uy lực hơn cả cấp thôn ngày nay.
Rồi xóa bao cấp, hợp tác xã tan rã. Không biết từ khi nào, tên xóm, tên làng bị xếp vào cái góc quên lãng. Tên xóm mất hẳn, tên làng ít khi được nhắc tới. Xóm được chia nhỏ. Tên xóm từ cách gọi gợi nhớ tên làng, gợi nhớ lịch sử, văn hoá vùng đất mấy trăm năm bỗng chuyển hoá thành thôn với những con số 1, 2, 3, 4...Cả xã có tới 10 thôn, mỗi thôn được định danh bằng một con số. Tôi liên tưởng, chẳng khác mấy so với cách đặt tên đội sản xuất nông trường, nông trang, công xã xa lắc đâu đó hoặc cách đặt tên trong lực lượng vũ trang, chỉ được cái ngắn gọn, tiện lợi mà mặc định, vô hồn, xoá nhoà chỉ dấu đường về quá khứ. Nhiều lần về quê, tôi cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ không biết xóm cũ nhà mình giờ mang con số nào... 
Từ nay làng lại có tên
Làng Đồn Điền ngày nay. Ảnh: Dân trí
Giờ thì khấp khởi mừng. Trong tương lai rất gần, từ 10 thôn, nhập lại còn 4, vừa khớp với cái tên Điền Thượng, Điền Nam, Vượng Hải thuộc làng Đồn Điền và tên làng Hà Đông. Tên thôn gợi tên làng, gợi nhớ một thời, ranh giới địa giới tương đối rành rẽ. Qui mô dân số đông hơn dễ bề huy động sức dân mà lại “tiết kiệm” cán bộ. Mỗi thôn vốn có tới gần chục cán bộ bán chuyên trách, giờ, chủ trương mới, chỉ còn 3. Từ 10 thôn nhập lại còn 4, tính ra, số cán bộ giảm rất đáng kể.
Một thôn, một xã đã như thế, suy rộng ra một huyện, một tỉnh, sẽ là một con số đáng kể. Suy rộng ra cả nước với gần 137 nghìn thôn, tổ dân số; 11.162 xã, phường, thị trấn...sẽ là một con số khổng lồ. Tỉnh Thanh Hoá có 5.971 đơn vị thôn, tổ dân phố. Tới đây sáp nhập, chỉ còn hơn 4.300 thôn, tổ dân phố. Tính riêng về cán bộ bán chuyên trách hưởng lương từ ngân sách, giảm tới gần 10.000 người. Đúng là một con số biết nói từ một chủ trương lớn chẳng khác một cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng cơ cấu lại mô hình từ cấp cơ sở, tinh giảm bộ máy vốn cốt cho đủ mâm đủ bát mà kém hiệu quả. Cuộc cách mạng trả lại tên cho mỗi thôn, mỗi làng...
Trở lại với tên thôn tên làng.
Hôm về mấy xã tỉnh Thanh, tôi cũng nghe cán bộ các xã này nói về chuyện nhập thôn, đặt lại tên thôn theo tên làng truyền thống.
Đã thấy không khí dân chủ trong cái cách bàn bạc, tranh luận, rất tâm huyết, không kém phần máu lửa. Nơi lấy lại tên nôm, nơi phục hồi tên chữ. Không hiếm nơi tranh cãi chọn tên xóm này hay tên xóm kia để đặt tên cho thôn mới. Như ở xã nọ có xóm Cẩm Bào và Cẩm Phúc. Xóm Cẩm Bào vốn lâu đời. Cẩm Phúc hình thành mấy chục năm lại đây. Giờ hai xóm nhập thành một thôn, biết chọn tên nào? Ghép hai chữ Phúc, Bào thành thôn Phúc Bào hay chỉ giữ lại một chữ Cẩm, thành thôn Cẩm?
Việc ngỡ không có gì to tát, lại hóa thành đại sự vì nó động chạm tới miền ký ức sâu thẳm từ mỗi làng quê, của mỗi con người gắn bó với làng quê đó. Tên thôn, tên làng gợi mở quá khứ, chỉ dấu đường về văn hoá truyền thống, lưu giữ niềm tự hào của mỗi thành viên trong cộng đồng làng xã. Xử lý theo lối áp đặt, mệnh lệnh hành chính hoặc thiếu tinh tế sẽ khiến những giá trị thực chất bị chôn vùi, khuất lấp, để rồi những cái tên thôn tên làng mặc định, vô hồn có cơ xuất hiện.
Lại nhớ, có những tên buôn tên làng từng gắn với cộng đồng người Ê đê, Ba na, Jơ rai nhiều đời, mỗi cái tên chứa đựng cả một truyền thuyết, bỗng một ngày đẹp trời, những cái tên ấy biến mất, thay vào đó là những cái tên Chiến Thắng, Thành Công, Đoàn Kết... nghe cứ choang choang mà chẳng chút ăn nhập với không gian văn hoá tộc người vùng Tây Nguyên. Trong muôn vàn cách hủy hoại văn hoá truyền thống, thì cái cách xáo trộn các cộng đồng dân cư thôn, xóm, làng, bản kiểu như xóc con bài và thay tên làng tên bản cho ra vẻ hiện đại, là cách nguy hại nhất!
Cái việc nhập, thu gọn và tinh giảm bộ máy đồng thời đặt lại tên thôn cho hợp với văn hoá truyền thống làng xã Việt Nam nằm trong chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ: Sắp xếp tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính, từ cấp cơ sở... Chủ trương này không ngờ lại tạo hiệu ứng về văn hoá có chiều sâu đến thế, khi nó tác động, khơi mạch nguồn làng xã từ trăm năm, nghìn năm trước. Mà cái mạch nguồn này từng nghẽn tắc cũng từ một chủ trương đơn giản đến lạnh lùng trước đó.
Hôm trò chuyện với các vị cán bộ một xã thuộc tỉnh Thanh, có vị nhắc một câu khiến tôi gai cả người: Nước có thể mất nhưng làng thì mãi trường tồn.
Mà làng hay thôn, bắt đầu từ những cái tên.
Uông Ngọc Dậu

No comments:

Post a Comment